An Giang: Dự án canh tác lúa ít phát thải khí nhà kính thu được hiệu quả kép

Ngày đăng: 29/08/2011 Lượt xem 3892

Ngày 04/8/2011, Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT Kiên Giang tổ chức hội thảo sơ kết các mô hình canh tác ít phát thải khí nhà kính tại xã Giục Tượng, huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang. Đây là một trong ba điểm thí nghiệm trong vụ hè thu thuộc dự án Canh tác lúa ít phát thải khí nhà kính Việt Nam, giai đoạn 2011 – 2013.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Cục Trồng trọt, lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Sở Nông nghiệp & PTNT thành phố Cần Thơ. Phía đoàn An Giang có ông Đoàn Ngọc Phả, phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT và ông Huỳnh Hiệp Thành, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tham dự với tư cách là Trưởng, Phó Ban Quản lý dự án tỉnh.
Dự án Canh tác lúa ít phát thải khí nhà kính Việt Nam đã thực hiện được 2 vụ. Trong vụ đông xuân 2010 – 2011 thực hiện mô hình tại tiểu vùng 100 ha thuộc xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang, vụ hè thu tiếp tục thực hiện tại địa điểm trên và mở rộng vùng dự án đến xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành và 2 huyện Giồng Riềng, Châu Thành của tỉnh Kiên Giang.
Thông qua báo cáo của các nhà khoa học và của cán bộ trực tiếp theo dõi các mô hình đã cho thấy, ở An Giang cũng như Kiên Giang, các mô hình thí nghiệm như: mô hình bón phân theo bảng so màu lá lúa trên nền tưới nước ngập, khô xen kẽ (tưới tiết kiệm); mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Trichoderma và sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên nền tưới tiết kiệm (gọi chung là các mô hình cải tiến) đã đạt được hiệu quả cao. Bên cạnh đó, có thể nói các mô hình đã đạt được hiệu quả kép.
Thứ nhất là hiệu quả về môi trường: kết quả phân tích khí phát thải ở ruộng đối chứng cao hơn ruộng cải tiến 4.013 kg CO2/ha/vụ (Kiên Giang); ở An Giang, khí phát thải ruộng đối chứng cao hơn ruộng cải tiến 5.175 kg CO2/ha/vụ.
Thứ hai là hiệu quả về mặt kinh tế: chi phí sản xuất của ruộng đối chứng thường cao hơn ruộng cải tiến, nguyên do là vì ruộng đối chứng thường sạ dày và bón nhiều phân, xử lý sâu bệnh bằng nông dược. Ở Kiên Giang chi phí ruộng đối chứng cao hơn ruộng thực hiện mô hình cải tiến từ 1,4 – 2 triệu đồng/ha. Tương tự, ở An Giang là khoảng 800 ngàn – 1triệu đồng/ha.
Qua kết quả trên cho thấy, dự án đã gặt hái được thành công bước đầu. Song, sự thành công còn mang một ý nghĩa lớn hơn là: các điểm trình diễn ứng dụng canh tác cải tiến của dự án lại phù hợp với quy trình canh tác 1 phải, 5 giảm. Trong đó, mô hình sử dụng giống xác nhận; lúa giống chỉ sử dụng 120 kg/ha; bón phân theo bảng so màu lá lúa nên lượng phân bón giảm; tưới ngập – khô xen kẽ giúp tiết kiệm nước...
Chương trình 1 phải, 5 giảm là ứng dụng quy trình tổng hợp các phương pháp canh tác tiến bộ giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong nghề trồng lúa. Trong bối cảnh phải đối phó với tình hình biến đổi khí hậu xảy ra trên toàn cầu, thì nông dân tham gia canh tác lúa giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thiết nghĩ không gì hiệu quả hơn khi thực hiện tốt quy trình canh tác 1 phải 5 giảm.

Huỳnh Văn Đấu
Nguồn: TTKNQG

Tin liên quan

123movies