Hiệu quả ứng dụng “1 phải, 5 giảm”

Ngày đăng: 15/08/2011 Lượt xem 2212

Sau 2 năm triển khai ứng dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa, đến nay toàn tỉnh đã có gần 3.500 nông dân tham gia thực hiện trên diện tích 23.800 héc-ta, đạt 10% so với tổng diện tích xuống giống là 235.387 héc-ta.

Theo số liệu thống kê, huyện Thoại Sơn là địa phương đi đầu với số diện tích ứng dụng “1 phải, 5 giảm” nhiều nhất 4.000 héc-ta, với hơn 3.160 nông dân tham gia; kế đến là huyện Châu Phú gần 3.350 héc-ta, số nông dân tham gia hơn 2.800 người; huyện đầu nguồn An Phú 3.290 héc-ta, có 2.700 nông dân tham gia... Nông dân Trần Văn Đài, ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành (Thoại Sơn) thú thật: “Mấy năm trước tui phun xịt thuốc cho lúa dữ lắm, phun tối ngày. Tuy nhiên, đến vụ hè thu năm 2011 thì tui không xịt thuốc mà thấy kết quả vẫn không bị thiệt hại như mọi lần, ngược lại ít sâu, ít rầy hơn”. Chú Đài kể, giai đoạn lúa được 1 tháng sau sạ, nếu ở những vụ trước thì chú đã phun xịt thuốc đến 3 đợt, tốn mỗi héc-ta 1,5 triệu đồng. Nếu tính tổng diện tích của gia đình đang canh tác 5 héc-ta thì tốn đến 7,5 triệu đồng. Đó là chưa tính trường hợp bị sâu bệnh nặng chú còn thẳng tay phun thuốc nhiều hơn con số vừa kể trên. Cho đến khi theo học lớp huấn luyện “1 phải, 5 giảm” thì chú Đài nhận thấy bản thân sáng tỏ ra được nhiều thứ, trong đó, theo chú thích nhất là vấn đề giảm giống. Bởi vì hồi trước, chú sạ đến hơn 20kg/công, nay theo hướng dẫn của các kỹ sư thực hiện kéo hàng chỉ từ 8-10kg/công. “Ban đầu, thấy lúa phát triển thưa quá, tui đâu chịu và dự định sạ thêm giống khác nữa. Rồi nhìn ruộng đối chứng sạ theo tập quán của nông dân kế bên với số lượng 17kg/công, mới 3 ngày đầu lúa đã xanh dờn. Nhìn thấy mê! Nhưng khi nghe các kỹ sư cam kết bù lỗ nếu thất, tui mới thôi ý định ban đầu!”. Chú Đài cười nói.

Cùng thời gian này, chú Đài cùng với nông dân địa phương còn học hỏi thêm được nhiều kỹ năng tiến bộ mới để áp dụng trong canh tác lúa, giúp tiết kiệm chi phí. Điển hình như tưới nước tiết kiệm, trong một tháng đầu lúa sau sạ chỉ phun có 1 cữ nước. Chú Đài nhớ lại, lúc đầu nhìn xót ruột, đất nứt quá mà kỹ sư hỏng cho bơm nước thêm. Song không lâu sau đó thì mặt đất tốt trở lại, cây lúa vẫn cứng và đứng lá; trong khi mấy vụ trước, cứ sợ thiếu nước nên chú bơm nước vô hoài mà lá vẫn bị quặt hết. Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, tất cả các điểm trình diễn và lớp huấn luyện “1 phải, 5 giảm” đều được sử dụng giống lúa xác nhận và ứng dụng phương pháp gieo hàng. Kết quả ghi nhận trong vụ đông xuân 2010-2011, lượng giống gieo sạ trung bình được áp dụng ở ruộng trình diễn 112 kg/héc-ta, giúp giảm được trên 76kg/héc-ta lượng lúa giống so với ruộng đối chứng. Đặc biệt, trong quản lý sâu cuốn lá và rầy nâu, ruộng trình diễn ứng dụng “1 phải, 5 giảm” giúp giảm 2,5 lần số lần phun thuốc so với ruộng đối chứng của nông dân. Sự chênh lệch này tạo ra sự khác biệt rõ nét về chi phí sản xuất và cũng nói lên được áp lực dịch hại chịu sự tác động của mật độ gieo sạ, chế độ phân bón và nhất là việc phun thuốc trừ sâu sớm sẽ làm gia tăng áp lực dịch hại giai đoạn sau. Riêng số lần bơm nước trung bình giảm 1,3 lần/vụ. Ước tính tiết kiệm tiền bơm nước hơn 104.000 đồng/héc-ta, nhưng lúa vẫn phát triển tốt, hạn chế được sự đổ ngã do rễ ăn sâu hơn, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong canh tác lúa. Ngoài ra, kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ (tưới nước tiết kiệm) kết hợp với biện pháp kỹ thuật khác như: Sạ hàng, bón phân cân đối... đã làm giảm tỉ lệ đổ ngã cho cây lúa đáng kể. Ở ruộng trình diễn mô hình, tỉ lệ đổ ngã trung bình là 2,4% so với ruộng đối chứng 7,9%. Giảm đổ ngã sẽ giúp ứng dụng tốt công nghệ trong và sau thu hoạch, góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch đáng kể.

Kết quả cuối cùng cho thấy, trong vụ đông xuân 2010-2011, năng suất ở các ruộng áp dụng ” 1 phải, 5 giảm” đạt cao hơn hoặc tương đương ruộng đối chứng. Các điểm trình diễn tại 11 huyện, thị xã, thành phố đều có giá thành sản xuất thấp hơn so với tập quán canh tác của nông dân. Điều này có nghĩa phần lợi nhuận cũng tăng cao hơn, ước tính lợi nhuận trung bình khi áp dụng “1 phải, 5 giảm” là 28.184.000 đồng/héc-ta so với ruộng đối chứng là 23.201.000 đồng/héc-ta; bình quân lợi nhuận tăng 4.983.000 đồng/héc-ta.

Bài, ảnh: HỒNG TRANG

Nguồn: http://www.baoangiang.com.vn/

Tin liên quan

123movies