Ngày 24/11/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị họp Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn (khoai mì) tại tỉnh Tây Ninh. Sau khi đi thăm mô hình chọn tạo giống kháng bệnh khảm lá tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, các đại biểu đã về Hội trường và nghe báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh.
Tại Hội nghị, Cục BVTV đã báo cáo toàn bộ qúa trình bệnh virus khảm lá sắn xâm nhập, lây lan và gây hại tại Việt Nam cũng như công tác chỉ đạo phòng chống bệnh từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên bệnh khảm lá sắn không giống như các loại sinh vật gây hại khác, vấn đề giống kháng bệnh là quan trọng nhất để phòng chống bệnh. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo nghiên cứu giống kháng bệnh từ rất sớm và giao Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện.
GS.TS Lê Huy Hàm – nguyên viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ tháng 10/2018 đến nay tại huyện Tân Biên và Tân Châu của tỉnh Tây Ninh, Viện Di truyền đã phối hợp triển khai đánh giá tập đoàn giống sắn trong nước và nhập nội, kết hợp đánh giá năng suất, tinh bột và khả năng kháng bệnh khảm lá dưới áp lực bệnh tự nhiên trên đồng ruộng. Kết quả đánh giá khảo nghiệm trên tổng số 157 dòng giống sắn nhập nội và hơn 250 dòng giống sắn trong nước đã thu được 8 dòng/giống kháng bệnh vượt trội, có năng suất và tinh bột cao (trên 50 tấn/ha) so với các giống đối chứng tốt nhất hiện trồng tại Tây Ninh: KM419 và KM140 (44-48 tấn/ha). Đặc biệt, có 1 dòng (C97) đạt cao ở cả 3 chỉ tiêu: năng suất (54 tấn/ha), tinh bột (27,5%), kháng bệnh (100%). Trong số các dòng giống đã đánh giá, có 8 dòng giống kháng hoàn toàn với bệnh khảm lá, gồm giống: C4, C9, C36, C48, C97, HN3, HN4, HN5; năng suất khá (38-64 tấn/ha), tinh bột cao (26-30%). Trong đó, theo báo cáo kết quả về việc đánh giá của đoàn công tác do Cục BVTV tổ chức đánh giá các giống kháng bệnh khảm lá trên vào ngày 09/10/2020 đồng thời có tham khảo kết quả ghi nhận của Viện Di truyền Nông nghiệp xác định, HN3 và HN5 là 2 giống có triển vọng nhất.
Tuy nhiên, giống HN3 và HN5 cũng có nhược điểm là tính phân cành cao, nên mật độ trồng thấp nên năng suất có thể không cao như một số giống đang được trồng phổ biến hiện nay tại các địa phương. Dây là vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Không chỉ vậy, Hội nghị còn nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu đến từ các tỉnh Đồng Nai, Phú Yên, Bình Phước, Đắk Lắk… Các đại biểu đã đánh giá nguyên nhân, đưa ra giải pháp và kinh nghiệm trong công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn.
Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh – Trưởng ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn cho biết, từ trung ương đến địa phương nỗ lực rất nhiều từ nghiên cứu, lai tạo giống tới cắt vụ luân canh trên đồng. Lúc đầu, giống KM94 kháng bệnh khá tốt nhưng đến nay nhiều diện tíchvẫn bị nhiễm. Rõ ràng áp lực phòng chống dịch bệnh chịu sức ép quá lớn và vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh trong bối cảnh các giống đều bị nhiễm khảm lá thì kết quả ban đầu của Viện Di truyền nông nghiệp vẫn là giải pháp hiệu quả, tạo thêm lựa chọn cho người dân trồng sắn ở Tây Ninh và các tỉnh khác. Do vậy, Viện Di truyền cần tiếp tục phối hợp trong việc nghiên cứu chuyển gen kháng bệnh, tạo ra giống sạch bệnh đưa vào sản xuất. Mặt khác, Cục Trồng trọt cần sớm hỗ trợ trong việc hướng dẫn các thủ tục để nhóm tác giả công bố giống để phổ biến, trước mắt là 2 giống HN3, HN5. Đồng thời cũng cần có quy trình trồng riêng và hoàn thiện các nghiên cứu bổ sung cho hai giống này.