Mô hình “Cánh đồng mẫu” giúp nông dân tăng thu nhập

Ngày đăng: 03/06/2011 Lượt xem 1490

Sản xuất nông nghiệp theo mô hình “Cánh đồng mẫu” hiện nay không còn xa lạ với người canh tác nhưng thực hiện hiệu quả phải kể đến nông dân xã Long Điền A (Chợ Mới). Không chỉ đi đầu ở địa phương về diện tích, nông dân còn giảm được nhiều chi phí sản xuất và tăng đáng kể về năng suất.

Từ thực hiện thí điểm mô hình “Cánh đồng mẫu” ở tiểu vùng Long Điền A2 với 100 héc-ta vào vụ đông xuân 2008-2009, đến nay mô hình trên đã được mở rộng ra nhiều nơi. Mở đường xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, nâng chất lượng sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường, ngoài những nông dân sản xuất giỏi của địa phương là tập thể xã viên của 2 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Định Thuận, Long Bình. Đến nay, qua tích lũy từ lợi nhuận, 2 HTX đã thay mới 15 trạm bơm điện, nạo vét 12 công trình thủy lợi nội đồng dài 12km, phục hồi các đường cộ, bảo đảm tưới tiêu, vận chuyển nông sản cho xã viên. Với hàng chục máy cuốc, máy cày, 7 lò sấy lúa… 2 HTX bảo đảm 6 loại hình dịch vụ (làm đất, tưới tiêu, sấy lúa, sản xuất lúa giống, bán vật tư nông nghiệp trả chậm, tín dụng nội bộ), chủ động cho 262 xã viên sản xuất hiệu quả 325 héc-ta, chiếm gần một nửa diện tích của HTX. Nhằm “bao thầu” trọn gói từ đầu vào cho đến đầu ra, HTX thành lập 2 tổ sản xuất lúa giống với 35 thành viên có kinh nghiệm, sản xuất trên 300 tấn lúa giống, không chỉ cung cấp cho nội bộ xã viên mà còn bán cho nông dân trong huyện và người có nhu cầu từ các nơi. Rồi từ nguồn vốn nhàn rỗi, 2 HTX cho nhiều xã viên có nhu cầu vay tín chấp từ 3 đến 5 triệu đồng/người với lãi xuất thấp, chủ động dự trữ vật tư nông nghiệp bán cho xã viên với giá từ bằng và thấp hơn thị trường, thu tiền sau khi thu hoạch… góp phần đáng kể giải quyết về nguồn vốn cho xã viên.

Do xác định lấy lợi nhuận làm tiêu chí phấn đấu, nông dân xã Long Điền A luôn coi việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng là chìa khóa của thành công. Năm 2010 đến nay, đã có trên 620 nông dân địa phương theo học các lớp về phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương thức “4 đúng”, tập huấn về các mô hình “1 phải, 5 giảm” , “3 giảm, 3 tăng”… do cán bộ Khuyến nông huyện, tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang hướng dẫn. Thạc sĩ Bùi Văn Khai, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Nơi nào người nông dân áp dụng tốt các khuyến cáo về quy trình sản xuất nông nghiệp theo kỹ thuật hiện đại, tuân thủ các nguyên tắc quy định trong canh tác thì người sản xuất ở nơi đó không chỉ giảm đáng kể về chi phí cho sản xuất, ít tốn công, thời gian mà còn tăng năng suất và mô hình “Cánh đồng mẫu” ở xã Long Điền A là một thí dụ. Vụ mùa vừa qua, người sản xuất theo mô hình “Cánh đồng mẫu” giảm chi phí từ 2,4 đến 2,6 triệu đồng/ héc-ta nhưng năng suất lại tăng từ 7,2 lên 7,5tấn/héc-ta so với những diện tích bên ngoài “Cánh đồng mẫu”. UBND xã Long Điền A cho biết: “Với số dân khoảng 19.000 người, phần lớn sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp nên muốn phát triển mạnh ở lĩnh vực này thì con đường áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng là điều phải thực hiện bài bản. Mô hình “Cánh đồng mẫu” vừa qua đã góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Nhờ đó, mức GDP tăng lên trên 15,5%, thu nhập đầu người 22,07 triệu đồng/năm, năng suất lúa hàng năm đạt 18,8 tấn/héc-ta, giá trị sản xuất 1 héc-ta trên 120 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so trước đó. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của nhân dân toàn xã, trong đó có sự đóng góp đáng kể của nông dân thông qua các mô hình sản xuất hiệu quả mà việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác là một tiền đề cho phát triển bền vững sắp tới”.

Hiện, lúa hè thu trên các cánh đồng đang vào giai đoạn giữa kỳ thu hoạch, nhưng những gì nông dân xã Long Điền A đã thực hiện qua mô hình “Cánh đồng mẫu” sẽ hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Bài, ảnh : NGUYỄN RẠNG

http://www.baoangiang.com.vn/

Tin liên quan

123movies