Bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp ở Ô Long Vĩ

Ngày đăng: 17/03/2011 Lượt xem 3778

Anh Hồ Đăng Long, Phó Trạm BVTV huyện Châu Phú cho biết, vụ đông xuân 2011, huyện tổ chức 5 lớp học ứng dụng Chương trình “1 phải, 5 giảm”. Trong đó, chỉ riêng lớp học ở xã Ô Long Vĩ có ứng dụng kết hợp với công nghệ sinh thái – trồng cây có hoa trên bờ ruộng. Tổng chiều dài trên các tuyến đê có trồng hoa khoảng 2.000m, với 5 loại hoa chủ yếu gồm: Mè, đậu bắp, cúc, soi nháy và hướng dương. Ngoài ra, nông dân còn tự trồng thêm một loại hoa lạ và rất thơm, có họ của cây cù nèo, thu hút khá nhiều thiên địch. Anh Long nhận xét: “Do vùng Ô Long Vĩ còn nhiều phèn, nên chúng tôi không thể trồng hoa trên bờ đê chính. Tuy nhiên, nhờ áp dụng công nghệ sinh thái mà không cần phải sử dụng thuốc trừ sâu. Riêng đối với thuốc trừ rầy, trong giai đoạn lúa 70 ngày tuổi (giống OM 4218) nhiễm mật số rầy 3.500 con/m2 nên cần phải can thiệp thuốc hóa học 1 cữ. Và cũng trong vùng trồng cây có hoa, một số giống lúa hoàn toàn không cần sử dụng cả thuốc trừ sâu, rầy. Trong khi đó, ruộng đối chứng chỉ nằm cách ruộng trình diễn 2-3 dây đất, với giống lúa OM 4218 đã phải phun xịt đến 3 lần thuốc trừ sâu,…”.

Ruộng “1 phải, 5 giảm” xã Ô Long Vĩ.

 

Theo chiết tính về hiệu quả kinh tế cuối vụ đông xuân 2011 do nông dân ghi chép, ruộng “1 phải, 5 giảm” ở Ô Long Vĩ tốn mỗi héc-ta 3 triệu đồng tiền thuốc BVTV; còn ruộng đối chứng của nông dân thì tốn đến hơn 3,9 triệu đồng/héc-ta. Về năng suất sau thu hoạch, cả 2 ruộng đều đạt 7,7 tấn/héc-ta, tuy nhiên về giá thành sản xuất và lợi nhuận thì chênh lệch khá nhiều. Thử làm một bài toán đơn giản, với giá bán 5.500 đồng/kg thì con số tổng thu ở ruộng “1 phải, 5 giảm” là 42.350.000 đồng, sau khi trừ chi phí 17,7 triệu đồng/héc-ta, nông dân còn lợi trên 24,6 triệu đồng/héc-ta. Còn ruộng đối chứng, đương nhiên tổng chi sẽ cao hơn do sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV, lượng giống gieo sạ, nhân công… nên sau khi trừ mọi chi phí chỉ còn lợi 17 triệu đồng/héc-ta. Từ đó cho thấy, ruộng “1 phải, 5 giảm” giúp tiết kiệm mỗi héc-ta hơn 7,5 triệu đồng so ruộng ngoài mô hình. Anh Hưng, cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV huyện nói: “Không chỉ thích thú về hiệu quả kinh tế của lớp học “1 phải, 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái trong vụ đông xuân lần này, nhiều nông dân còn tỏ ra rất thích thú vì có thể học được cách bón phân hợp lý. Theo đó, thay vì dạy rập khuôn theo sách vở thì hàng tuần, chúng tôi sẽ cho nông dân thực hành thực tế trên đồng ruộng để quan sát và theo dõi ngưỡng sâu rầy và hình thức bón phân. Ngoài ra, nông dân còn tự biết hạch toán kinh tế; sử dụng kỹ thuật ô khuyết trong quá trình sản xuất… Đặc biệt, theo dõi thời gian trổ bông của một số loại hoa để gieo trồng cho phù hợp thời điểm, giúp thu hút thiên địch phòng trừ sâu rầy hại lúa và quan trọng là không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp giữ vững hệ sinh thái đồng ruộng”.

Nông dân Võ Văn Hòa, ngụ ấp Long Thành, xã Ô Long Vĩ vốn là người tha thiết với các tiến bộ kỹ thuật trong đồng ruộng. Vụ đông xuân năm nay, ngoài sử dụng 1 héc-ta dùng để làm ruộng trình diễn ứng dụng “1 phải, 5 giảm”, còn lại 2 héc-ta đất nhà, anh quyết định trồng thêm cây có hoa trên các tuyến đê để bảo vệ lúa. Anh khoe: “Mùa Tết, người ta chạy xe ngang ruộng mà cứ quay đầu lại nhìn. Có người xuống ruộng xin mấy cây bông để mang về nhà chưng! Còn mình, chiều chiều dẫn vợ ra ruộng vừa thăm đồng, vừa ngắm bông. Thấy thoải mái vô cùng!”.

Tin liên quan

123movies