An Giang: Nông dân đầu nguồn áp dụng công nghệ sinh thái

Ngày đăng: 06/07/2011 Lượt xem 3722

Là nông dân có kinh nghiệm trồng lúa trên 30 năm, ông Trần Văn Khen ngụ ấp Phú Hiệp thú thật: “Lúc nào tôi cũng tự hào với vốn kinh nghiệm tích lũy được và luôn đạt năng suất cao hơn bà con xung quanh. Tôi luôn quan niệm phải đầu tư, chăm sóc cây lúa tối đa theo phương pháp như: Sạ dày, phun xịt thuốc trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là sâu cuốn lá và rầy nâu phải phun xịt triệt để. Vì vậy, sau mỗi lần rải phân, tôi thường kèm theo 1 lần phun thuốc trừ sâu; rồi phun ngừa sâu rầy trước và sau khi lúa trổ. Tính ra bình quân mỗi vụ, tôi phải phun 5-6 lần thuốc trừ sâu”. Nhưng đó là kinh nghiệm của trước đây, còn từ khi tham gia lớp huấn luyện chương trình “1 phải, 5 giảm” kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng được Trạm BVTV huyện An Phú tổ chức gần nhà, ông Khen đã có cách nhìn hoàn toàn khác. Ban đầu, mặc dù còn nghi ngờ, nhưng ông cũng lấy 0,5 héc-ta đất nhà làm theo chương trình khuyến cáo của cán bộ hướng dẫn. Hàng tuần, tham gia điều tra hệ sinh thái, phân tích số lượng sâu hại và thiên địch, rồi cùng các học viên bàn bạc để đề ra biện pháp xử lý. Cái mới trong lớp học mà ông Khen tâm đắc nhất đó là, biết được những thiên địch ăn sâu rầy trên ruộng lúa vốn là bạn của nhà nông; hay chuyên đề “Đánh giá sự rủi ro giữa ngưỡng kinh tế và hành động” dạy người nông dân biết rõ trước khi phun thuốc phải xét nhiều yếu tố, chứ không phải cứ thấy sâu là phun! Vì vậy, ông Khen cho biết, trong vụ có lần rầy nâu phát triển lên mật số 2.000 con/m2, số thiên địch tập trung ở ruộng trình diễn có trồng hoa cũng khá cao 80 con/m2, nên cả lớp quyết định không phun xịt thuốc để thiên địch ăn rầy. Hiệu quả thật không ngờ, chỉ sau 1 tuần số lượng rầy giảm chỉ còn vài trăm con/m2.

 

 

Không chỉ nói suông theo lý thuyết, nông dân tham gia lớp huấn luyện “1 phải, 5 giảm” đã trực tiếp nuôi bắt 2 loài thiên địch để vào lọ nuôi thử nghiệm. Bà con quan sát thật kỹ cả ban ngày lẫn ban đêm và thấy, trung bình mỗi ngày một con kiến ba khoan ăn 2 con sâu cuốn lá và 10 con rầy; một con nhện ăn 3 con sâu cuốn lá/ngày và ăn 15 con rầy/ngày. Ngày sơ kết lớp học, nông dân báo cáo tổng số lần phun thuốc trừ sâu cuốn lá, rầy nâu, nhện gié ở ruộng trình diễn “1 phải, 5 giảm” là 0 lần/vụ, giảm 3 lần so với ruộng đối chứng, giúp tiết kiệm mỗi héc-ta 800.000 đồng.

Sự chênh lệch này tạo ra sự khác biệt rõ nét về chi phí sản xuất và cũng nói lên được áp lực dịch hại chịu sự tác động của mật độ gieo sạ, chế độ phân bón, nhất là việc phun thuốc trừ sâu sớm sẽ làm gia tăng áp lực dịch hại giai đoạn sau. Bên cạnh đó, ruộng trình diễn cũng áp dụng phương pháp sạ thưa 100kg/héc-ta (giảm 70kg/héc-ta so ruộng nông dân). Trong quá trình cây lúa phát triển, số bông tuy có ít hơn ruộng nông dân nhưng năng suất ruộng công nghệ sinh thái vẫn cao hơn trung bình từ 1,1 tấn/héc-ta (tương đương số tiền hơn 5 triệu đồng). Cuối cùng, điều đáng quan tâm là ruộng trình diễn mô hình “1 phải, 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái giúp nông dân đạt lợi nhuận trên mỗi héc-ta hơn 16,7 triệu đồng và cao hơn ruộng đối chứng của nông dân canh tác theo tập quán 6,5 triệu đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV nhiệt liệt biểu dương tập thể cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV huyện An Phú và 42 nông dân đã hoàn thành xuất sắc lớp huấn luyện. Tin rằng, 42 nông dân hiện nay sẽ là 42 chiến sĩ tiên phong tiếp tục thực hiện chương trình “1 phải, 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái trong vụ đông xuân tới. Đồng thời là những tuyên truyền viên giúp nhiều bà con khác cùng nhau làm giàu, hướng tới sản xuất theo nền nông nghiệp bền vững.

Bài, ảnh: H.T

(Nguồn: Báo An Giang điện tử)

Tin liên quan

123movies