Công bố tiêu chuẩn cơ sở trong khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị UAV

Ngày đăng: 17/01/2023 Lượt xem 3311
Chiều 17/1, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Họp báo công bố Tiêu chuẩn TCCS 830:2022/BVTV về khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc bảo vệ thực vật phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng bằng thiết bị bay không người lái (UAV)”.
Tại họp báo, đại diện Cục Bảo vệ thực vật đã giới thiệu quá trình xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và nhấn mạnh một số điểm quan trọng trong hướng dẫn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phun bằng thiết bị bay không người lái bao gồm: phạm vi áp dụng, yêu cầu cơ bản về an toàn sử dụng, bố trí, thiết kế và điều tra thí nghiệm trên đồng ruộng đối với khảo nghiệm đánh giá hiệu lực sinh học, thời gian cách ly…
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn cơ sở lần này có thể coi là văn bản đầu tiên hướng dẫn đăng ký và triển khai việc ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV hay Drone) trong lĩnh vực nông nghiệp và bảo vệ thực vật. Đây cũng là cơ sở pháp lý chính thức cho việc đăng ký các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên thiết bị bay không người lái; đồng thời tạo tiền đề cho việc mở rộng và áp dụng rộng rãi các công nghệ phun mới tại Việt Nam nâng cao mức độ hiệu quả, an toàn cho người sử dụng và chất lượng nông sản.

 Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin về ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp.

Việc ban hành tiêu chuẩn cơ sở cũng dựa trên kết quả của việc tiến hành các mô hình thử nghiệm, qua trình nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng cũng như tham vấn với nhiều bên có liên quan. Trong 2 năm (2021-2022), Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm, các đơn vị cung cấp thiết bị bay trong nước, các công ty thành viên của CropLife Việt Nam và một số công ty thuộc Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam (VIPA) tiến hành một số các mô hình thử nghiệm phun thuốc bằng thiết bị không người lái.
Việc thử nghiệm này được tiến hành trên 7 nhóm cây trồng chính với 8 dạng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ 15 loại sinh vật gây hại tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp khác nhau trên cả nước.
Kết quả cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ một số dịch hại là rất lớn, đặc biệt trên các cây trồng như lúa, ngô, cây ăn quả với mức độ phòng trừ tương đương hoặc cao hơn so với phun thông thường.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ bay không người lái cũng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước thuốc sử dụng và công lao động. Nông dân tham gia khảo nghiệm nghiệm cũng ghi nhận rằng họ tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật ít hơn so với phun thông thường.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, việc đánh giá dựa vào 3 tiêu chí chính là: hiệu quả, hiệu lực; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; những ảnh hưởng khi phun thuốc với cây trồng, môi trường, sinh vật có ích...
Việc ứng dụng thiết bị bay không người lái vào nông nghiệp là xu hướng hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Goldman Sachs, nông nghiệp được dự báo sẽ là ngành có mức độ ứng dụng thiết bị bay không người lái lớn thứ 2 trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới.


Toàn cảnh họp báo. Ảnh Nguyễn Hạnh

Riêng trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật đang trở nên ngày càng phổ biến nhờ những ưu điểm nổi bật về hiệu quả, độ chính xác, tiết kiệm chi phí công lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, công suất cao, bảo vệ sức khỏe cho nông dân khi tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam (VIPA) đánh giá, việc ban hành tiêu chuẩn cơ sở này là cơ sở quan trọng cho các doanh nghiệp áp dụng trong việc đăng ký sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong tương lai./.

Theo Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan

123movies