Khởi động Dự án Nâng cao năng lực nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Ngày đăng: 06/05/2025 Lượt xem 150
Ngày 6/5/2025, tại Hà Nội, Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao năng lực của Chính phủ và các bên liên quan nhằm tăng năng suất cây trồng và xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên ở Việt Nam” (TCP/RAS/3907). Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút gần 60 điểm cầu trên cả nước với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đại diện FAO, chuyên gia tư vấn dự án và cơ quan truyền thông.


Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và BVTV phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trung Quân.

Mục tiêu Dự án
Dự án triển khai từ tháng 3 đến 31/12/2025, nhằm thúc đẩy ứng dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên (NBS) trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất cây trồng, kiểm soát sinh vật gây hại, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và thúc đẩy nông nghiệp bền vững.
Hoạt động chính
• Rà soát và đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ đăng ký, thử nghiệm và ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học và các tác nhân kiểm soát sinh học (BCA).
• Triển khai hai mô hình sản xuất lúa sáng tạo tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, áp dụng NBS và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đánh giá hiệu quả kỹ thuật và kinh tế để đề xuất nhân rộng.
• Phát triển tài liệu đào tạo cho các khóa đào tạo giảng viên (TOT) và lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về ứng dụng NBS và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người nông dân.

Kế hoạch Triển khai
• Tháng 5 – 8/2025: Rà soát pháp lý, xây dựng tài liệu đào tạo.
• Tháng 6 – 9/2025: Triển khai mô hình sản xuất lúa, tổ chức tập huấn cho nông dân.
• Tháng 10 – 11/2025: Đánh giá hiệu quả mô hình, tổ chức hội thảo đầu bờ và truyền thông rộng rãi.

Kết quả Kỳ vọng
1. Tăng cường năng lực quản lý và thực thi quy định về NBS và BCA thông qua đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan.
2. Nâng cao năng lực quốc gia trong phòng chống sinh vật gây hại xâm lấn thông qua việc áp dụng NBS, đặc biệt là trên cây lúa.
3. Thúc đẩy nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về giảm thiểu rủi ro từ thuốc bảo vệ thực vật hóa học, khuyến khích sử dụng các sản phẩm an toàn và bền vững.

Tại hội thảo, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật đã trình bày mục tiêu, kế hoạch và thách thức trong triển khai dự án, đặc biệt là khung pháp lý về bảo vệ thực vật sinh học. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về NBS và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đồng thời thảo luận cơ chế phối hợp, giám sát và báo cáo kết quả.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Dự án không chỉ giúp nông dân tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ sức khỏe, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, duy trì đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh lương thực. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng hành cùng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Tin liên quan

123movies