Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững” Ngày đăng: 28/12/2023 Lượt xem 3422 Ngày 28-12, tại TP Cần Thơ, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 đã tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững”. Diễn đàn được tổ chức nhằm truyền thông đề án sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học; Truyền thông sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, trách nhiệm. Lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Bảo vệ Thực vật, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì Diễn đàn.Tham gia diễn đàn có đại diện các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV trên cả nước, Sở NN-PTNT các tỉnh thành vùng ĐBSCL.Quang cảnh diễn đànGS-TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, trung bình chỉ 30% lượng phân bón hóa học đa lượng được cây trồng hấp thụ, phần còn lại 70% hoặc ở lại trong đất, hoặc bị rửa trôi ra hệ thống sông, suối hoặc hệ thống nước ngầm, hay bị bay hơi vào khí quyển dẫn tới những ô nhiễm đã được đề cập.Trong số phân vi lượng truyền thống và thuốc BVTV được dùng thì ước lượng tương ứng khoảng 50% và 40% bị tích tụ lại trong đất và môi trường xung quanh dưới dạng khó hòa tan. Hiện trạng thực tế canh tác, cho thấy người sản xuất nông nghiệp ít chú ý tới việc bón phân vi lượng mà chỉ tập trung chủ yếu vào các loại phân vô cơ đa lượng và một phần phân trung lượng. Thực tế đó đã dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng cây trồng.Các đại biểu tham dự diễn đànTại diễn đàn, các báo cáo, tham luận của đại biểu đã chỉ ra, thuốc BVTV là một loại vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo việc kiểm soát sâu bệnh tránh gây thiệt hại năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc có thể gây nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trồng trọt là hỗ trợ các chủ trương của ngành BVTV phát triển theo hướng bền vững, xanh và chất lượng cao.Các đại biểu tham quan gian hàng thuốc BVTV bên hành lang diễn đànThời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng thuốc BVTV sinh học. Tăng cường hợp tác thúc đẩy triển khai khung pháp lý về sử dụng và quản lý các giải pháp BVTV bền vững, đẩy nhanh tiến trình ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp cũng như phát triển các dịch vụ BVTV là điều cần thiết. Qua đó, cụ thể hóa các chính sách của Bộ NN-PTNT tại Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.Theo Cục BVTV, thời gian qua, cục ưu tiên thực hiện đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc, có hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường. Đồng thời rà soát, loại bỏ các thuốc BVTV độc hại. Trên cơ sở Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Cục BVTV đã tham gia ký kết với các doanh nghiệp thuốc BVTV, ưu tiên cấp Giấy phép khảo nghiệm cho 28 loại thuốc BVTV sinh học với 66 sinh vật gây hại (tăng 1,27 lần so với năm 2022).Việc đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học sẽ góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.Mục tiêu thời gian tới của ngành BVTV là nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30% so với tổng số thuốc BVTV. Tăng lượng sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng. Ít nhất 80% địa phương tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng. Phấn đấu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học dẫn đầu trong trong khu vực. Các cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học quy mô công nghiệp có công nghệ, trang thiết bị hiện đại, chủ động sản xuất được các thuốc BVTV sinh học tiên tiến đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.Theo Vĩnh Tường (Báo Sài Gòn Giải phóng)