Ngày nay, yêu cầu mức thuế quan trong các thỏa thuận thương mại quốc tế ngày càng giảm và các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch được đặt lên hàng đầu. Yêu cầu tối thiểu phải kể đến là vấn đề truy xuất nguồn gốc và thực hành nông nghiệp tốt. Yêu cầu này được đánh giá ngày càng có vai trò quan trọng, giúp cho việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng và chia sẻ thông tin. Thanh long được quản lý theo mã số vùng trồng, được trồng theo quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu chọn giống, làm đất, quản lý sâu bệnh, chủng loại và liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng …để đảm bảo về đặc điểm ngoại quan và chất lượng quả thanh long theo tiêu chuẩn quy định. Trước đây, Trung Quốc được coi là thị trường dễ tính đối với quả tươi xuất khẩu của Việt Nam, nhưng kể từ tháng 1/2019, Trung Quốc quy định thanh long nhập khẩu nói riêng và các loại quả tươi nói chung phải có hình ảnh bao bì thông tin truy xuất nguồn gốc gồm: tên, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.
Những yêu cầu pháp lý mà sản phẩm thanh long phải tuân thủ là các tiêu chuẩn về mức dư lượng tối đa cho phép (MRLs) thuốc bảo vệ thực vật và quy định về kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Các quy định và các tiêu chuẩn này ở các nước khác nhau là không giống nhau và được thiết lập dựa trên tiêu chuẩn Codex và tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ thực vật (ISPM). Một số nước quy định mức MRLs của các loại thuốc BVTV trong quả thanh long theo tiêu chuẩn của Codex, một số nước khác còn đặt ra qui định mức MRLs nghiêm ngặt hơn các quốc gia khác. Thanh long nhập khẩu vào một nước có chứa lượng thuốc trừ sâu cao hơn mức cho phép sẽ không được lưu thông trên thị trường của nước đó. Việc phát hiện lô hàng thanh long bị nhiễm đối tượng kiểm dịch của nước nhập khẩu sẽ khiến cho lô hàng bị từ chối vào thị trường nước này. Một số nước nhập khẩu thanh long yêu cầu xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu như xử lý chiếu xạ (thị trường Mỹ, Úc), một số nước khác yêu cầu xử lý hơi nước nóng (thị trường Nhật Ban, Hàn Quốc, Đài Loan),…., kèm theo các tiêu chuẩn về sau thu hoạch, bảo quản và thời gian vận chuyển đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm…. Các qui định về kiểm dịch thực vật được đặt ra để ngăn chặn việc truyền và lây lan các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật.
Ngoài ra, thị trường châu Âu còn có thêm các tiêu chuẩn công bằng và bền vững. Hầu hết các đơn vị mua hàng châu Âu có các bộ quy tắc riêng và dành nhiều ưu ái hơn cho các sản phẩm được chứng nhận thương mại công bằng, đó là các vấn đề về đạo đức, môi trường được đặt ra như trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, trách nhiệm nguồn cung ứng.
Trồng thanh long xuất khẩu ở Bình Thuận
Thời gian gần đây, số lô hàng thanh long Việt Nam xuất khẩu liên tục bị cảnh báo từ các nước nhập do bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, từ năm 2015 đến nay đã có 17 trường hợp cảnh báo thanh long nhiễm dư lượng các thuốc bảo vệ thực vật gồm: Carbendazim, dithiocarbamates, carbofuran, permethrin, dimethroat, iprodione, azoxystrobin. Trong số đó, các lô hàng thanh long xuất sang Châu Âu và Úc đều bị từ chối vào thị trường những nước này, đồng thời nhà nhập khẩu phải tái xuất về nước hoặc tiêu hủy. Riêng 2 trường hợp thanh long sấy khô nhập khẩu vào Mỹ nhiễm dư lượng carbendazim bị cảnh báo.
Bên cạnh đó, thanh long nhập khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ và Châu Âu bị thông báo không tuân thủ vì nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật nước họ, các đối tượng sinh vật hại được tìm thấy là Fusarium solani, Fusarium semitectum, Curvularia lumata, cladosporium oxysporium, Lepidoptera, pseudococcidae.
Căn cứ vào các kết quả giám sát việc không tuân thủ và cuộc kiểm tra do Ủy ban EU thực hiện vào tháng 3/2017 để đánh giá việc kiểm soát thuốc trừ sâu trong thực phẩm tại Việt Nam, Ủy ban châu Âu đã coi sản phẩm thanh long nhập khẩu từ Việt Nam có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe. Ngày 8/11/2018, Liên minh Châu Âu (EU) đã ra quyết định mới Commission Implementing Regulation (EU) 2018/1660 liên quan tới điều kiện xuất khẩu thanh long vào EU, quy định này bắt đầu có hiệu lực vào 8/12/2018 và thông báo số G/SPS/N/EU/286 về việc sẽ lấy mẫu kiểm tra chính thức đối với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả thanh long của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Như vậy, phía EU yêu cầu Việt Nam kiểm tra dư lượng thuốc BVTV đối với 100% thanh long xuất khẩu sang EU (thay vì chỉ 10% như hiện nay) và quy định mỗi lô thanh long xuất khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, đảm bảo dư lượng thuốc BVTV không vượt mức dư lượng tối đa của EC (EU-MRLs) kèm theo kết quả kiểm nghiệm của các phòng thử nghiệm được ủy quyền và áp dụng mức kiểm soát chính thức lấy mẫu với tần suất 10% tổng lô hàng khi hàng cập cảng EU để kiểm tra mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục các thuốc BVTV trong chương trình giám sát được ban hành theo Điều 29(2) của Quy định Regulation (EC) No 396/2005 và nhóm hoạt chất dithiocarbamates (gồm các hoạt chất như maneb, mancozeb, metiram, propineb, thiram, ziram), phenthroate và quinalphos.
Mặc dù quả thanh long xuất khẩu vào châu Âu chỉ chiếm lượng nhỏ trong tổng số sản lượng thanh long ở nước ta. Tuy vậy, đây chính là rào cản để mở rộng và nâng cao giá trị, kim ngạch thanh long xuất khẩu tại thị trường này. Với việc điều chỉnh chặt chẽ qui định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra quả thanh long lên cũng sẽ gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu, phát sinh thêm chi phí và tỷ lệ hàng bị từ chối có khả năng tăng cao vì các nước EU có thiết bị kiểm nghiệm hiện đại.
Để vượt qua các rào cản về kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ và tăng cường công tác quản lý theo hướng liên kết các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, các tổ chức nông dân, hiệp hội rau quả để điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp, phát triển thanh long bền vững, đảm bảo chất lượng xuất khẩu quả thanh long theo các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của hệ thống chứng nhận và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm thanh long xuất khẩu.